THÔNG TIN DU LỊCH KHÁNH HÒA
Khánh Hòa - Điểm đến văn minh và thân thiện

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Chùa Long Sơn - Nha Trang


Chùa Long Sơn:Tọa lạc trên đường 23/10, thuộc làng Phước Hải, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, chùa Long Sơn là ngôi chùa có quy mô lớn nhất trong số hơn 20 ngôi chùa ở Nha Trang. Chùa nằm ngay trong nội thành Nha Trang, bên quốc lộ 1A, dưới chân hòn Trại Thủy.
Chùa được hòa thượng Ngộ Chí, người Phú Yên, cho xây dựng năm Bính Tuất 1886 tại đỉnh đồi Trại Thủy, có tên là Đằng Long Tự. Ban đầu chùa được kiến tạo bằng vật liệu nhẹ, mái lợp tranh vách đất. Đến năm Canh Tý 1900, chùa bị bão sập, hòa thượng Ngộ Chí dời chùa xuống chân núi, tại vị trí hiện nay, sửa sang và lợp bằng ngói âm dương, rồi đổi tên là Long Sơn Tự. Cũng trong thời gian này, chùa được sắc phong “Sắc Tứ Long Sơn Tự”.
Về núi Trại Thủy, dân gian gọi là Hòn Xưởng. Sách cũ ghi là Khố Sơn, tục danh là Hòn Kho. Những tên này biểu hiện mối liên hệ đến lịch sử. Núi Trại Thủy là một hòn đơn độc nằm ở địa đầu thành phố Nha Trang về phía Tây. Hòn núi này chỉ cao chừng 35m, dài 600m, giống một ngọn đồi dọc theo quốc lộ 1A, ở phía Bắc. Hình dáng giống như con dơi nằm xoè cánh, đầu hướng về phía Tây Nam. Người xưa gọi là “Ngọc bức hàm hoàn”. Triền phía sau có dốc ngược, toàn là đá hoa cương. Triền phía trước hơi lài, cũng bằng đá hoa cương nhưng có lẫn đất điệp. Trên núi không có cổ thụ và bàn thạch. Cảnh tượng khô khan, trơ trụi. Quang cảnh chung quanh núi rất đặc sắc. Đặc biệt là cảnh quan những vườn dừa nối liền nhau tưởng chừng như bất tận của các làng Lư Cấm, Ngọc Hội, Vĩnh Hội, Vĩnh Điền nổi bật dưới chân núi, trải một màu xanh mượt mà.
Hòn Trại Thủy đứng giữa đất bằng nhưng không đơn độc. Theo các nhà địa lý, núi này thuộc hệ thống dãy Trường Sơn Tây nguyên. Còn các thầy phong thủy xưa cho rằng đây là Trấn Thủy khẩu của dãy núi Tây Diên Khánh. Long mạch phát khởi từ hòn Thị ở Diên Khánh, chạy ngầm dưới đất gần cửa sông Cù, đồi khởi thành cột trụ giữ linh khí cho cuộc đất Diên Khánh Vĩnh Xương.
Khoảng giữa thế kỷ 18, nhà Tây Sơn thắng chúa Nguyễn, dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Đô đốc Trần Quang Diệu vào trấn Bình Hòa và nhận thấy Ninh Hòa không thể dụng binh bèn dời dinh Tổng trấn vào Diên Khánh, xây thành đắp lũy để chống với quân chúa Nguyễn ở mặt Nam, về đường bộ. Để chống giữ về mặt biển, Trần Quang Diệu lại cắt một đạo thủy binh xuống trấn miền duyên hải. Xét thấy Hoàng Mai Sơn (núi Trại Thủy) vị thế hiểm trở, bèn dùng làm căn cứ quân sự. Trên núi thì cất trại lính, dưới núi về mặt Bắc gần sông lại đóng xưởng cất thuyền, đóng kho chứa lương thực. Vì vậy, núi mới có tên là Trại Thủy hay Hòn Xưởng, Hòn Kho.
Hòn Trại Thủy trước thời thực dân Pháp chiếm đóng là một hòn núi mọc toàn mai. Những khóm mai cổ thụ, cội cao tàng cả, mọc chen vào những tảng đá hoa cương to lớn. Mỗi lần xuân đến, hoa mai nở vàng cả mùa. Hết mùa, lá mai đậm và láng trùm lên núi một màu xanh lục lìa và anh ánh. Sang đông, lá mai rụng hết, núi trở thành một hòn trọc màu xám in những nét đen nhạt của những cảnh khúc khuỷu, những cội u nần của những khóm mai già rắn rỏi.
Năm Canh Thìn 1940, chùa được đại trùng tu lại theo kiểu Á Đông gồm: tiền đường, hậu sảnh, Đông lan, Tây lan, tăng khách, tăng phòng, nhà bếp… Công trình này do đạo hữu Tôn Thất Quyền, hội trưởng Hội Phật học Khánh Hòa lúc bấy giờ chủ trương tổ chức. Năm Tân Hợi 1971, chùa tiến hành cuộc đại trùng tu lần 2 do Thượng tọa Thích Thiện Bình, Chánh đại diện Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa lúc bấy giờ chủ trương tổ chức theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Võ Đình Diệp. Đến năm 1975, công trình đã thực hiện được 60% so với đồ án đã thiết kế. Chiều ngang tiền đường chùa Long Sơn dài 44.5m, chiều dài từ tiền đường đến chân núi là 37.5m, chiều cao chánh điện là 17.5m.
Trong điện thờ uy nghiêm bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn, nặng 700kg, cao 1.6m. Sau bức tượng là tấm gương lớn tượng trưng cho ánh sáng hào quang nhà Phật, và bức tượng Quan Âm Chuẩn Đề có nhiều tay, mỗi tay cầm một vật mà các vị Phật hay cầm.
Bên hông trái chùa có đường lên núi Trại Thủy. Nơi đây, có tôn trí Kim Thân Phật Tổ là tượng Đức Phật Thích Ca tại đỉnh núi Trại Thủy. Tượng do Thượng tọa Thích Đức Minh và điêu khắc gia Bùi Văn Thêm, hiệu Phúc Điền, thực hiện vào 2 năm 1964 — 1965. Tượng quay về hướng Đông, có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, phần tượng cao 14m, tư thế tọa thiền, uy nghi giữa nền trời. Từ đỉnh tượng đến sân trước cửa chùa cao chênh lệch 50m, nếu lên đến nơi tôn trí Kim Thân Phật Tổ phải leo 150 bậc thang ở sau chùa.
Năm Bính Tý 1936, chùa được cúng cho Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa để làm Hội quán Tỉnh hội. Liên tiếp từ đó đến nay, chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Trong khuôn viên chùa có sự phối hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên góp phần tạo nên cho Nha Trang một danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Soledad


        
   Tin khác

0 nhận xét:

Đăng nhận xét